Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

Xếp hàng xin nước ngọt ở miền Tây

Bến Tre , hai tháng nay, hạn mặn diễn ra gay gắt , xâm nhập toàn tỉnh. Hệ thống kênh, rạch đều bị nhiễm mặn, hoặc cạn trơ đáy , trong khi nguồn nước dự trữ của người dân đã hết, nước máy cũng bị nhiễm mặn thấp nhất 5 phần nghìn (5.000 mg/l). Hàng nghìn người dân thiếu nước ngọt, phải mua nước với giá 100-300 nghìn đồng mỗi khối.

Nhiều cá nhân, đơn vị gần xa những ngày qua đã "chữa cháy" phần nào cơn khát của người dân, bằng các điểm cấp nước ngọt miễn phí.

Chiếc sà lan này chở 1.200 khối nước ngọt của một doanh nghiệp ở Bình Dương, di chuyển 150 km, đến neo đậu tại công viên bờ sông Bến Tre (phường 7, TP Bến Tre), bơm nước vào hai bồn chứa đặt tại đây để phát miễn phí trong hai ngày, 15-16/3.

Công an tỉnh Bến Tre đã điều động thêm xe cứu hỏa hỗ trợ lấy nước từ sà lan, chở đến các địa điểm "chữa cháy". Hai xe phải hoạt động hết công suất, mỗi ngày hai buổi, cao điểm đến 4 lượt cấp nước.

Tổng cộng lượng nước cấp khá lớn, khoảng 6.000 khối. Các sà lan, xe lớn không vào các địa bàn xa, nên nước ngọt được bơm vào bồn chứa cho các phương tiện nhỏ đưa đến cho người dân.

Sau giờ làm buổi chiều, hàng trăm người dân TP Bến Tre đi xe đạp, xe máy chở theo nhiều can nhựa đến chở nước về dự trữ. Các thanh niên tình nguyện thay phiên nhau cầm vòi xả nước vào các can. Đông người nhưng không xảy ra cảnh chen lấn, người dân xếp hàng trật tự, chờ đến lượt.

Mỗi xe máy chở được 1-2 can nước loại 30 lít, nếu tiết kiệm một nhà bốn người có thể dùng đủ cho một ngày. Lực lượng bảo vệ dân phố được bố trí để hỗ trợ đưa các can đầy nước lên xe máy, nhất là phụ nữ, người già, người tàn tật.

Nhiều người ở gần dùng xe kéo, đẩy hoặc xe tự chế vận chuyển nước. "Nước giờ quý như vàng, nên mình vận chuyển cũng phải nhẹ nhàng, công người ta chở cả trăm cây số đến cho mà lỡ làm đổ giọt nào là mang tội", ông Nguyễn Minh Huân (66 tuổi, TP Bến Tre) nói.

Nghe tin có sà lan cho nước, ông Trần Văn Vinh (74 tuổi, phường 7, TP Bến Tre) dùng dây buộc can nhựa vào chiếc xe lăn, rồi vượt 1,5 km, nhờ người xả đầy nước, chở về nhà.

Gia đình ông có 5 người. Ông bị tai biến gần chục năm nay, trong khi con dâu bị tai nạn lao động mất cánh tay, con trai đi làm hồ, còn vợ thì phụ nấu cơm tại ngôi chùa gần nhà. Mỗi ngày, ông ở nhà cùng cháu nội một tuổi.

Can nước được đưa về, ông nhờ vợ đổ vào các thau, can nhựa nhỏ thậm chí là xoong, nồi để dự trữ.

Trước đó, mỗi sáng, ông lăn xe 500 m, đến cơ sở kinh doanh Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog gần nhà để xin can nước 30 lít, về đổ vào phuy chứa, đủ dùng cho một ngày. "Ngày nào cũng lăn xe đi lấy nước, hơi vất vả nhưng bù lại có nước ngọt cho cháu nội tắm đỡ ngứa, vừa coi như tập thể dục cho khỏe", ông lão nói.

Cách Bến Tre hơn 40 km, bà Nguyễn Bạch Tuyết (67 tuổi, quê Vĩnh Hựu, Gò Công Tây, Tiền Giang ) chạy xe đạp khoảng 500 m, mang theo can nhựa 30 lít xin nước về sinh hoạt.

Con trai đi làm xa, bà ở nhà một mình. Việc xin nước mỗi ngày của bà diễn ra gần hai tháng qua. Bà kể, do con đường vào nhà nhỏ dưới một mét, sát mé ruộng, nên có hôm chở nước nặng bị ngã nhào. Về đến nhà bà nghỉ mệt một chút, rồi tiếp tục "tha" bình nước từ yên xe xuống đất.

"Tuổi cao nên tay chân yếu rồi, mỗi ngày chỉ chở được một chuyến, xài tiết kiệm lắm nhưng vừa tắm, giặt, nấu ăn ngày nào hết ngày đó. Cầu trời cho mưa sớm để bà con bớt khổ", bà Tuyết nói.

Điểm cho nước miễn phí tại nhà bà Phan Thị Thu (56 tuổi, Vĩnh Hựu, Gò Công Tây) hoạt động một tháng nay. Gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng, mỗi ngày, bà Thu điều động xe tải chở bồn nhựa đến nhà máy nước cách đó khoảng 5 km lấy nước, đem về bơm miễn phí cho người dân xếp hàng chờ sẵn.

Khoảng 3h, vợ chồng bà Thu phải thức dậy, bật đèn mở cửa cho bà con lấy nước, đến 19h mới ngưng. Người đến xin nước tự bơm vào can. Mỗi ngày, khoảng 24 khối được cấp.

"Cha sanh mẹ đẻ, đó giờ dân ở đây mới lâm vào cảnh thiếu nước, gần tháng nay tui với ổng thức khuya suốt cũng mệt, nhưng thấy bà con khổ quá, nên ráng giúp được bao nhiêu hay bấy nhiêu", bà Thu nói.

Việc chở những can nước nặng về nhà đối với các phụ nữ hết sức khó khăn.

Hạn mặn năm nay vượt mốc lịch sử 2016, đã gây thiệt hại gần 40.000 ha lúa đông xuân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 95.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Dự báo của ngành chức năng, trong tuần tới mặn tiếp tục tăng cao, kéo dài đến tháng 4. Ở các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (Long An), nước mặn sẽ xâm nhập sâu 100 -110 km.

Một tuần trước, 5 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau đã công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp . Chính phủ cũng vừa đồng ý hỗ trợ 5 tỉnh này 350 tỷ đồng để chủ động ứng phó.

Hoàng Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét