Chiều 18/2, chị Lư nhận điện thoại từ khách hàng, báo hoãn hơn trăm mâm cỗ cưới. Đầu dây bên kia, gia chủ ấp úng bảo nhà có chuyện đột xuất nên lùi ngày cưới cho con. Chị Lư chỉ cười, nhắn khi nào định được ngày thì báo lại. Nhưng chị biết chẳng bao giờ có ngày đó, bởi họ ngại Lư "sống ở Bình Xuyên". Đó là cuộc điện thoại thứ hai hủy đám kể từ đầu tuần.
Ra giêng mùa cưới từng là mùa kiếm sống của đại gia đình chị Lư. Chị chuyên nấu cỗ, em gái cung cấp thực phẩm, một người cháu trang điểm cô dâu và cho thuê váy cưới. Họ sống ở xã Bá Hiến, nằm cách xã Sơn Lôi một con sông.
Không ai công bố huyện Bình Xuyên là "vùng dịch", nhưng vì việc cách ly tại xã Sơn Lôi - nơi có bệnh nhân nhiễm virus corona - cả huyện đã trở thành chỉ dấu địa lý mà nhiều khách hàng muốn lánh.
Ngay người dân trong huyện cũng cảnh giác hơn trước. Đám cưới gần nhất đặt chị Lư làm 170 mâm cỗ, nhưng khách đến chỉ lấp đầy 90 bàn. Đám ở quê chẳng bao giờ thiếu mặt người làng, vậy mà lần đầu tiên chị thấy cảnh một người đi cả xóm gửi phong bì. Gia chủ méo mặt, mang cỗ chia cho họ hàng ăn cũng không hết. Một nhà khác trong xã ban đầu đặt 140 mâm, sau rút còn 70.
Xuân này, chị Lư không còn thấy từng đoàn người bê lễ qua nhà. Hôm mùng 7 tháng giêng (31/1), người về lễ đền Nông Hoan vẫn nườm nượp. Qua rằm tháng giêng là đến hội đền Thanh Lanh. Những năm trước, hai bên đường từ trung tâm xã Bá Hiến đến đền Thanh Lanh bày đầy sạp quả, hoa tươi phục vụ người dân đi lễ. Bây giờ, "đến chợ người ta còn lười đi".
Đường lên đền Mẫu Giao Trì (Tam Đảo) không còn cảnh nườm nượp khách đi lễ. Ảnh: Ngọc Thành. |
Dương Thị Minh, cháu gọi chị Lư bằng cô ruột, bán hải sản ở chợ Bá Hiến. Mùng 6 Tết, Minh bán gần hai chục cân tôm cá trong nửa buổi. Chị tính toán tăng lượng hàng lên gấp rưỡi vào cuối tuần, khi công nhân khu công nghiệp Bá Thiện 2 nghỉ làm, thường mua đồ về cải thiện. Nhưng kế hoạch hủy bỏ vì dịch bệnh.
Bây giờ, có khách gọi điện đặt hàng thì Minh mới lấy. Mỗi phiên chợ chỉ túc tắc bán vài ba cân hàng. Xe cung cấp hàng hóa giờ cũng ngại vào chợ ở Bình Xuyên.
Bạn hàng của Minh bên xã Tam Lộng cũng nghỉ bán hai tuần nay, chờ bao giờ nắng ấm mới mở trở lại. Chị kể, có người bên chợ Tam Lộng bị cúm, hôm sau cả chợ nghỉ bán gần hết. Nhà bạn hàng thì mua 15 kg thịt, cá khô dự trữ, hạn chế đi chợ. Bây giờ, nhà ai có người hắt hơi sổ mũi thì cả làng biết.
Ngay cả chợ Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, cách Sơn Lôi hơn 10 km và hai con sông, nhiều tiểu thương cũng nghỉ bán vì ế hàng và lo lắng.
Không chỉ các xã xung quanh Sơn Lôi, địa danh "Vĩnh Phúc" nói chung khiến nhiều khách hàng ngần ngại. Cách Bình Xuyên hơn 30 km, anh Trọng Đạt Dịch thuật miền trung tại Huế Blog là người duy nhất ở khách sạn 15 phòng nhìn ra suối và Vườn hoa Tam Đảo đêm 19/2. Tròn 20 ngày, khách sạn phải treo biển "Còn phòng" trước cửa kèm số điện thoại lễ tân, nhưng chả có khách. "Giờ này mọi khi, mình vẫn đang tối mặt pha chocolate nóng cho khách", bartender 32 tuổi kể.
Chỉ mới đây, thị trấn du lịch Tam Đảo còn đứng trước nguy cơ quá tải. Ba tuần trước, người Tam Đảo làm không hết việc. Từ mùng 2 Tết, 15 phòng khách sạn không khi nào trống, lịch đặt phòng kín hết 3 tháng mùa xuân. Người dân thị trấn đã quen bị đánh thức bằng tiếng còi xe và mở cửa thấy từng đoàn xe máy, ôtô chen chúc từ khi gà chưa gáy. Giá phòng lên vào dịp cuối tuần và mùa du lịch, chủ nhà thường xuyên cáo lỗi khách. Cả thị trấn sáng rực xuyên đêm.
Chiều 1/2, khi Chính phủ công bố dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19), anh Đạt và đồng nghiệp còn đang bận phục vụ khách, chỉ thoáng nghe có vài ca mắc bệnh là người dân ở huyện Bình Xuyên.
Hôm sau, buổi sáng ở Tam Đảo đã không mở đầu bằng những tiếng còi xe. Anh Đạt thức dậy bằng một cuộc gọi hủy đặt phòng. "Bao giờ hết dịch mình lên", nhiều cuộc gọi suốt buổi sáng hôm ấy và nhiều ngày tiếp theo cùng một thông điệp. Khung cảnh đẹp không cứu được khách sạn nơi Đạt làm việc, cũng như hơn 100 cơ sở lưu trú ở thị trấn Tam Đảo ngay trong mùa du lịch cao điểm.
18h thường là thời điểm đông đúc nhất ở Tam Đảo, nhưng từ khi có dịch, quảng trường trung tâm không một bóng người. Ảnh: Ngọc Thành. |
Ngành du lịch đóng góp 93% vào cơ cấu thu ngân sách địa phương năm 2019. Tháng 2 năm ngoái, Tam Đảo đón hơn 26.000 lượt khách. Tháng 2 năm 2020, mục tiêu của địa phương là đón 27.000 khách. Nhưng hai mươi ngày đã trôi qua, thị trấn mới đón chưa đầy 1.500 khách, bằng 5% dự kiến.
Từ Sơn Lôi - xã bị cách ly vì dịch Covid-19 - đến Tam Đảo là 45 phút lái xe với hơn 10 cây số đường núi quanh co. Nhưng địa danh này cũng hiện lên trên các bản tin về dịch bệnh với việc thành lập một Trung tâm cách ly đặc biệt tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo, dành cho 3 bệnh nhân trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Ba ngày sau công bố dịch, cùng với việc cho 4 nhân viên nghỉ việc tạm thời, chủ khách sạn của Đạt rong xe đi "tránh dịch" kèm lời dặn: tắt bớt nửa đèn đi cho đỡ tốn. Khách sạn giờ chỉ còn mình Đạt.
Trong ánh sáng mờ hắt từ những dây đèn neon, Đạt kê ghế ra cửa đợi người đi qua để mời mọc mấy bạn đồng nghiệp ở các khách sạn kế bên. Đêm 19/2, với việc chấp nhận mặc cả còn một nửa giá niêm yết, Đạt lấp được hai phòng trống. Anh hy vọng nguồn thu này đủ duy trì hóa đơn tiền điện tháng 2.
Những hộ còn duy trì dịch vụ ở Tam Đảo dịp này không nhiều. Trên trục phố trung tâm cạnh trụ sở UBND thị trấn, hàng chục nhà hàng, quán cà phê đóng cửa. Đêm, các ông bà chủ ngày thường tất tả chạy đơn, đếm tiền nay rủ nhau đánh bài cho có tiếng người. 22h, họ tắt đèn, ai về nhà nấy.
Dãy phố đồ nướng khu du lịch Tam Đảo chỉ còn 2 hàng mở cửa, cả buổi đón vài khách. Ảnh: Ngọc Thành. |
Thực khách bình dân ngày này chỉ còn có thể lựa chọn hai quán nướng vỉa hè trên phố Nhà thờ. Vợ chồng Thanh - Lương dựng quán bán hàng từ năm 2015. Giá thuê chưa đầy 20 m2 mặt bằng tăng từng năm, đến nay khoảng gần nửa tỷ đồng mỗi năm. Đó là động lực duy nhất để họ kiên trì ngồi đợi khách trong cơn mưa phùn, khi cả dãy phố đồ nướng đã đóng cửa.
Lương bảo chồng dù khách ít cũng không tắt bớt điện, để họ còn muốn đến. Phần vì cô cũng nhớ Tam Đảo lung linh của ngày trước. Trước ngày công bố dịch, ba bếp than hoa nối nhau cháy rực từ 9h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau. 12 bộ bàn ăn chật kín khách, khói bốc nghi ngút. Vợ chồng Lương thuê thêm sáu người chạy bàn thời vụ, cuối ngày trả liền tay 500.000 đồng nhưng không xuể.
"Đang mùa hái ra tiền, vậy mà cái bệnh trên trời rơi xuống", bà chủ quán ca cẩm. 12 bàn ăn khi đó có duy nhất đôi bạn trẻ ngồi uống nước ngọt và ăn nửa con gà nướng. Nửa tiếng sau, Lương có thêm 4 khách. Họ lái xe nửa giờ quanh thị trấn hỏi ăn đặc sản cá hồi nhưng không quán nào mở cửa. Quán nướng Thanh Lương là sự lựa chọn cuối cùng của họ. 22h, vợ chồng Lương tính tiền cho thực khách cuối cùng và dọn hàng. Doanh thu của họ được 1/10 ngày thường.
Làm ăn lao đao, nhưng tiểu thương ở Vĩnh Phúc không bày tỏ sự oán trách. "Đang dịch thì người ta hoang mang cũng đúng, thôi thì mỗi người tránh đi một tí cũng chẳng chết ai. Chờ hết dịch rồi tha hồ đi chơi, buôn bán", Dương Thị Minh nói. Chưa bao giờ chị mong trời nắng như lúc này, vì đọc báo "thấy bảo con virus ấy nó không sống được khi nhiệt độ cao".
Hoàng Phương - Thanh Lam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét